Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ gia tăng đái tháo đường cao trên thế giới. Sau 10 năm, tỉ lệ mắc bệnh này tại Việt Nam đã tăng gấp đôi và có rất nhiều yếu tố tác động đến tỉ lệ này.
Tại Hội thảo quốc gia phòng chống bệnh đái tháo đường diễn ra chiều 23/5, tại Hà Nội, Giáo sư Thái Hồng Quang, Phó Chủ tịch Hội Nội tiết Việt Nam cho biết: kết quả điều tra mới nhất do Bệnh viện Nội tiết Trung ương công bố cho thấy, số bệnh nhân mắc đái tháo đường tại Việt Nam đang tăng vọt.
Kết quả nghiên cứu với hơn 11.000 người tuổi 30- 69 tại 6 vùng sinh thái gồm: Miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ cho thấy, khoảng gần 6% dân số Việt Nam bị tiểu đường, Tỷ lệ rối loạn dung nạp glucose cũng gia tăng mạnh mẽ từ 7,7% năm 2002 lên gần 13% năm 2012.
Theo GS Quang, có nhiều yếu tố tác động dẫn đến gia tăng nhanh tỉ lệ bệnh nhân mắc đái tháo đường. “Trước đây vấn đề sàng lọc, tầm soát bệnh đái tháo đường chưa được quan tâm. Giờ chúng ta quan tâm hơn đến vấn đề này và hệ thống y tế trong toàn quốc, tuyên truyền trên truyền thông nên người dân đã chủ động đi khám nhiều hơn. Hơn nữa, hiện nay, ngưỡng để chẩn đoán bệnh đái tháo đường thế giới hạ thấp xuống rất nhiều. Trước kia, đường máu bình thường là dưới 7,8mmol, nhưng hiện nay, đường máu bình thường là 5,6 và chẩn đoán bệnh đái tháo đường là 7mmol chứ không phải là 7,8. Tức là ngưỡng chẩn đoán giảm đi. Khi ngưỡng giảm như vậy, số ca chẩn đoán sẽ tăng lên”, GS Quang nói.
Bên cạnh đó, xu hướng hiện đại hóa, rất nhiều người dân các vùng nông thôn ra thành phố, các nhà máy làm việc, họ phải sống một cuộc sống công nghiệp hóa, ăn thức ăn nhanh, trong đó có nhiều yếu tố béo, rất dễ gây nên đái tháo đường.
“Béo phì liên quan mật thiết với đái tháo đường. Trong khi đó, hiện nay, lối sống thay đổi, vận động ít đi (trước đây ta đi bộ, đi xe đạp là những phương tiện phải vận động, giờ đi xe máy, đi ô tô làm vận động của con người cũng giảm đi), ngồi xem ti vi nhiều, ăn thức ăn nhiều chất béo… là tác nhân gây gia tăng bệnh đái tháo đường”, GS Quan nhận định.
Trước đây, béo thì liên quan đến đái tháo đường tuýp 2, thường gặp ở người trên 40 tuổi, người già. Bây giờ trẻ em đã có nhiều trẻ bị tiểu đường tuýp 2 vì béo phì.
GS Quang đánh giá, tỷ lệ bệnh nhân tiểu đường đã ở mức báo động. Bởi năm 2002, tỷ lệ bệnh nhân tiểu đường chỉ chiếm khoảng 2,7% dân số. Đến nay, sau đúng 10 năm, tỷ lệ bệnh nhân mắc tiểu đường đã tăng gấp đôi. Trong khi đó, theo xu hướng chung, tỉ lệ này cần phải mất 15 năm mới tăng lên gấp đôi.
Đáng nói, số người mắc tiểu đường có xu hướng tăng nhanh nhưng số người phát hiện bệnh lại rất thấp. Theo kết quả nghiên cứu này, tỷ lệ người bệnh tiểu đường trong cộng đồng không được phát hiện ở nước ta là gần 64%. Kiến thức chung về bệnh của người dân cũng rất thiếu. Gần 76% số người được hỏi có kiến thức rất thấp về chẩn đoán và biến chứng của bệnh, chỉ có 0,5% có kiến thức tốt.
Trước thực trạng đó, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã triển khai Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh đái tháo đường giai đoạn 2013-2020. Trong đó từ nay đến 2016 tăng cường phát hiện sớm, quản lý các đối tượng nguy cơ cao, xây dựng các biện pháp can thiệp kịp thời làm giảm số người mắc bệnh.
-
Blogger Comment
-
Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét :
Đăng nhận xét